1.1.2. Khái niệm về Logistics (Part III) – 1.1. Khái quát về Logistics – Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LOGISTICS – Giáo trình Quản trị Logistics – GS.TS.Đặng Đình Đào
Với tư cách là một khoa học, chúng tôi cho rằng Logistics là quá trình phân phối và lưu thông hàng hóa được tổ chức và quản lý một cách khoa học, bao gồm việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm soát quá trình lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ từ điểm khởi nguồn sản xuất đến tay người tiêu dùng cuối cùng với chi phí thấp nhất. Điều này nhằm đảm bảo cho quá trình sản xuất xã hội diễn ra nhịp nhàng, liên tục và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của khách hàng.
Dịch vụ Logistics gắn liền với quá trình này cũng có thể được hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa hẹp, dịch vụ Logistics là hoạt động thương mại, bao gồm các dịch vụ bổ sung như vận chuyển, giao nhận, kho hàng, hải quan, tư vấn khách hàng và các dịch vụ liên quan khác đến hàng hóa. Tất cả được tổ chức một cách hợp lý và khoa học nhằm đảm bảo quá trình phân phối và lưu chuyển hàng hóa diễn ra một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, theo nghĩa rộng, dịch vụ Logistics là hoạt động thương mại bao gồm một chuỗi các dịch vụ được tổ chức và quản lý một cách khoa học, gắn liền với các khâu của quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông và tiêu dùng trong nền sản xuất xã hội. Nói đến Logistics là nói đến hiệu quả, tối ưu hóa trong các ngành, các doanh nghiệp và nền kinh tế quốc dân. Quan điểm Logistics đồng nghĩa với quan điểm hiệu quả của toàn bộ quá trình, chuỗi cung ứng; nó đối lập với lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm mà có thể gây tổn hại đến lợi ích toàn cục và lợi ích quốc gia.
Có thể thấy nội dung cơ bản của hoạt động Logistics được minh họa trong Hình 1.3 dưới đây.

Dù có rất nhiều khái niệm và cách tiếp cận khác nhau về Logistics nhưng có thể rút ra một số điểm chung sau đây:
☑️ Thứ nhất, Logistics là một quy trình hệ thống hóa, diễn ra liên tục và chặt chẽ, bắt đầu từ điểm khởi đầu trong chuỗi cung ứng cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
☑️ Thứ hai, Logistics không phải là một hoạt động đơn lẻ, mà là một chuỗi liên tục các hoạt động từ việc lập kế hoạch, quản lý, thực hiện và kiểm soát dòng chảy của hàng hóa, thông tin, và vốn. Tất cả đều diễn ra xuyên suốt từ giai đoạn đầu vào đến khi sản phẩm hoàn thành. Thay vì tập trung vào một công đoạn riêng lẻ, cách tiếp cận Logistics là xem xét toàn bộ quá trình, chấp nhận chi phí cao hơn ở một giai đoạn nào đó nhưng tổng chi phí sẽ có xu hướng giảm dần. Trong quy trình này, Logistics được chia thành hai phần chính: Logistics trong sản xuất và Logistics bên ngoài sản xuất (Hình 1.4).
☑️ Thứ ba, Logistics là quá trình lập kế hoạch và kiểm soát việc lưu chuyển và lưu kho của hàng hóa và dịch vụ, từ điểm xuất phát ban đầu đến khi sản phẩm đến tay khách hàng, đảm bảo sự hài lòng của họ. Quy trình này bao gồm việc điều phối dòng lưu thông bên trong, bên ngoài, cũng như nguyên liệu thô và thành phẩm.
☑️ Thứ tư, Logistics không chỉ giới hạn trong việc quản lý nguyên liệu thô, mà còn liên quan đến tất cả các tài nguyên và yếu tố đầu vào cần thiết để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Những tài nguyên này không chỉ bao gồm vật tư, vốn, và nhân lực, mà còn cả dịch vụ, thông tin, và bí quyết công nghệ.
☑️ Thứ năm, Logistics bao gồm cả hai cấp độ: hoạch định và tổ chức. Ở cấp độ thứ nhất, các câu hỏi cần giải quyết là: nên lấy nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm, dịch vụ từ đâu, khi nào? Và sau đó sẽ vận chuyển đến đâu? Cấp độ thứ hai tập trung vào việc vận chuyển và lưu trữ, với mục tiêu là làm thế nào để di chuyển nguồn tài nguyên hoặc các yếu tố đầu vào từ điểm xuất phát đến điểm cuối của chuỗi cung ứng một cách hiệu quả.

Nguồn: Australian Bureau of Transport Economics, “Logistics in
Australia: A preliminary analysis ”, Working paper 49, October 2001
☑️ Thứ sáu, Logistics là quá trình tối ưu hóa sự di chuyển của hàng hóa và thông tin liên quan đến vị trí, thời gian, chi phí, yêu cầu của khách hàng, nhằm mục đích tối ưu hóa lợi nhuận.