Logistics Và Quản Trị Chuỗi Cung Ứng – Nguyễn Xuân Hà Dịch

LỜI GIỚI THIỆU – ĐÀO TRỌNG KHOA – Logistics Và Quản Trị Chuỗi Cung Ứng – Nguyễn Xuân Hà Dịch – Contemporary Logistics – 12th Edition

ĐÀO TRỌNG KHOA
Phó Chủ tịch Thường trực
Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam

Với sự mở rộng giao thương quốc tế trong thế kỷ 21, ngành logistics thế giới đã phát triển vô cùng nhanh chóng và năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của các doanh nghiệp Việt Nam cũng có những bước tiến đáng kể. Việt Nam hiện có hơn 45.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành là 12-14%/năm. Logistics, xương sống của thương mại quốc tế, đã có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động xuất nhập khẩu với tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam từ mức 428,1 tỷ đô-la năm 2017 lên 681,1 tỷ đô-la năm 2023, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 8,4%/năm cho cả giai đoạn 2017-2023.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành dịch vụ logistics Việt Nam vẫn còn một số điểm yếu như chi phí logistics còn cao, chất lượng một số dịch vụ chưa đáp ứng được các thị trường khó tính. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới vào năm 2023, chỉ số xếp hạng về hiệu quả logistics của Việt Nam đứng thứ 43 trên tổng số 139 nước được xếp hạng. Xét về các chỉ số thành phần, Việt Nam ghi điểm tăng ở các hạng mục về Hạ tầng, Hải quan và Gửi hàng quốc tế, còn các hạng mục Năng lực và chất lượng dịch vụ logistics, Tính đúng giờ và Khả năng theo dõi hàng hóa ghi nhận việc giảm điểm. Nguyên nhân một phần là do hạn chế về quy mô doanh nghiệp, về vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng logistics, sự mất cân đối giữa vận tải, chi phí vận tải đường bộ cao, cước phí và phụ phí vận tải do các chủ tàu nước ngoài áp đặt tiếp tục là những hạn chế và tồn đọng.

Để giải quyết những vấn đề tồn tại và thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của ngành dịch vụ logistics, chúng ta cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, nhà trường và doanh nghiệp với chiến lược lâu dài và nguồn lực lớn. “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ những bước chân”, chúng ta có thể bắt đầu từ những thứ cơ bản nhất – kiến thức nền tảng cho ngành logistics, với cuốn sách Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng này.

Đây là cuốn sách hướng dẫn và đầy đủ nhất về logistics và quản trị chuỗi cung ứng đương đại, được đặc trưng bởi những căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi trên thế giới, các dòng thương mại gia tăng đều đặn giữa các quốc gia và khắp các châu lục, các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng do thảm họa nghiêm trọng và các tiến bộ công nghệ tăng tốc không ngừng. Đồng thời, nó tập hợp kiến thức và thực hành tốt nhất cho tất cả các khía cạnh trong quy trình logistics từ thực hiện đơn hàng và quản lý dịch vụ khách hàng, từ yêu cầu ban đầu của khách hàng tới dịch vụ hậu mãi và hỗ trợ.

Điều tôi đặc biệt tâm đắc trong cuốn sách này là sách có tính ứng dụng cao. Không dừng lại ở lý thuyết, khái niệm căn bản, mà mỗi một vấn đề, hoạt động nghiệp vụ của logistics sẽ đều được đi kèm với một tình huống thực tế trong doanh nghiệp, đó là các vấn đề có thể nảy sinh ở bất kỳ doanh nghiệp dịch vụ logistics nào. Thông qua các câu hỏi mang tính khơi gợi sau mỗi tình huống, doanh nghiệp có thể tìm được phương án giải quyết cho các vấn đề về quyết định đầu tư, chiến lược logistics, tổ chức và quản lý logistics, các cân nhắc về luật định và chính trị trong quản lý chuỗi cung ứng…

Đối với tất cả các nhà quản lý logistics, chuỗi cung ứng và quản lý hoạt động, sinh viên và các chuyên gia kinh doanh khác, những người ra quyết định quan tâm đến việc thực hiện đơn đặt hàng hoặc dịch vụ khách hàng, cuốn sách này là một tài liệu tốt để tham khảo.

Với mong muốn nâng cao tính chuyên nghiệp, phát triển dịch vụ logistics hiện đại, kết nối logistics khu vực và toàn cầu, đóng góp hiệu quả vào việc phát triển doanh nghiệp trong ngành cũng như phát triển kinh tế đất nước Việt Nam, tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách này!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *