Giáo trình Quản trị Logistics - Đặng Đình Đào

1.4. Hệ thống chỉ tiêu đánh giá hoạt động Logistics của doanh nghiệp – 1.4.1. Nguyên tắc tổ chức hệ thống Logistics – Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LOGISTICS – Giáo trình Quản trị Logistics – GS.TS. Đặng Đình Đào

1.4.1. Nguyên tắc tổ chức hệ thống Logistics

a. Nguyên tắc tiếp cận hệ thống (System approach)

Hệ thống là sự tập hợp bởi các thực thể (đối tượng khác nhau) có sự tương tác với nhau. Sự biến đổi của một thực thể này có thể ảnh hưởng đến sự biến đổi của một hoặc nhiều thực thể khác, và ngược lại, cuối cùng làm cho hệ thống biến đổi. Tiếp cận hệ thống là phương pháp khá phổ biến trong khoa học. Theo phương pháp này, nghiên cứu vấn đề cần đặt nó vào môi trường mà nó tồn tại. Nói cách khác, là xem xét nó như một bộ phận của tổng thể lớn hơn, mà ta thường gọi là môi trường bên ngoài. Logistics trong hoạt động kinh doanh được coi là một hệ thống lớn. Hệ thống này gồm ba hệ thống nhỏ tương tác với nhau: hệ thống cung ứng vật tư, hệ thống phân phối thành phẩm và hệ thống thu hồi (tái chế và tái sử dụng).

b. Nguyên tắc xem xét tổng chi phí (Total-cost approach)

Nguyên tắc này được xây dựng trên cơ sở là tất cả các chức năng liên quan trong Logistics được coi như một tổng thể, không riêng lẻ. Các hoạt động trong khu vực chức năng của Logistics đều phải nằm trong “cái ô” tổng chi phí của Logistics.

c. Nguyên tắc tránh tối ưu hóa cục bộ (The avoidance of suboptimization)

Theo nguyên tắc này, các vấn đề được xem xét toàn diện. Ví dụ: một dây chuyền sản xuất gồm các công đoạn khác nhau và mỗi công đoạn lại là một bộ phận có tính độc lập tương đối, nghĩa là có thể được xem xét như một đối tượng điều khiển độc lập.
Như vậy, nó có thể được tối ưu hóa riêng (tối ưu hóa cục bộ). Tuy nhiên, tối ưu hóa cục bộ có thể dẫn đến hai tình huống: thúc đẩy hoặc kìm hãm tính tối ưu toàn hệ thống. Vì vậy, nguyên tắc này chỉ ra rằng khi tối ưu hóa cục bộ không tạo được kết quả tối ưu cho toàn hệ thống thì không nên thực hiện tối ưu hóa cục bộ.

d. Nguyên tắc bù trừ (Cost trade-offs)

Một nguyên tắc quan trọng được hình thành từ nguyên tắc tổng chi phí và hỗ trợ cho nguyên tắc này là nguyên tắc bù trừ chi phí. Nguyên tắc này được hiểu là sự thay đổi các hoạt động chức năng của hệ thống lưu thông phân phối sẽ làm cho một số chi phí tăng lên, trong khi một số chi phí khác giảm xuống.
Ví dụ: Nhà sản xuất muốn tận dụng giá cước vận chuyển đường biển thấp thì phải tích tụ một lượng hàng hóa lớn, dẫn đến chi phí tồn trữ tăng lên. Ngược lại, nếu nhà sản xuất giao hàng bằng máy bay, giá cước vận chuyển sẽ cao hơn rất nhiều so với đường biển, nhưng chi phí tồn trữ lại thấp hơn. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của nguyên tắc này là tổng chi phí giảm xuống tương ứng với mục tiêu phục vụ khách hàng đã được xác định.

Mỗi ngày một câu truyền cảm hứng:
Tôn Tư Mạc đời Đường đã viết trong Dưỡng tính khởi mông rằng: “Nước chảy không tù đọng hôi thối, trụ cửa không bị mối mọt, chính là do chúng liên tục vận động. Không thể dung túng cho dục vọng của mình, nếu dung túng sẽ tạo thành họa.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *