1.1.2. Khái niệm về Logistics (Part II) – 1.1. Khái quát về Logistics – Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LOGISTICS – Giáo trình Quản trị Logistics – GS.TS.Đặng Đình Đào
Ngoài ra, còn có nhiều khái niệm khác được các nhà nghiên cứu về logistics đưa ra thông qua từng góc độ nghiên cứu.
✍️ Logistics là quá trình tiên liệu trước các nhu cầu và mong muốn của khách hàng, sử dụng vốn, nguyên vật liệu, nhân lực, công nghệ và các thông tin cần thiết để đáp ứng những nhu cầu & mong muốn đó. Đồng thời, Logistics đánh giá xem hàng hóa, dịch vụ hoặc mạng lưới sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu của khách hàng hay không, và sử dụng mạng lưới này để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng một cách kịp thời nhất (Coyle, 2003). Định nghĩa này của Coyle cho thấy một điểm chung rất lớn giữa Logistics và marketing, đó là thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, Logistics nhấn mạnh đến việc sử dụng các nguồn tài nguyên đầu vào, công nghệ, và thông tin để đáp ứng những nhu cầu đó của khách hàng.
✍️ Logistics là một tập hợp các hoạt động chức năng được lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt quy trình chuyển hóa nguyên vật liệu thành thành phẩm (Grundey, 2006). Định nghĩa khá đơn giản này của Grundey lại tập trung chủ yếu vào phạm vi của hoạt động Logistics, trải dài từ điểm khởi đầu đến điểm cuối cùng của quá trình sản xuất (từ nguyên vật liệu đến thành phẩm). Tuy nhiên, nhược điểm của định nghĩa này là chưa đề cập đến quy trình phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng, một bộ phận rất quan trọng trong Logistics.
✍️ Sứ mệnh của Logistics là đảm bảo sản phẩm và dịch vụ được chuyển đến đúng địa điểm, vào đúng thời gian, hoàn cảnh yêu cầu và trong điều kiện phù hợp, đồng thời phải tạo ra giá trị lớn nhất cho doanh nghiệp (Ballou, 1992) (5). Khác với nhiều định nghĩa khác thường chỉ tập trung vào các hoạt động của Logistics, Ballou lại nhấn mạnh vào sứ mệnh mà Logistics cần thực hiện. E. Grosvenor Plowman cũng đưa ra một quan điểm tương tự khi cho rằng hệ thống Logistics mang lại cho các công ty 7 lợi ích (7 rights): đúng khách hàng, đúng sản phẩm, đúng số lượng, đúng điều kiện, đúng địa điểm, đúng thời gian và đúng chi phí.
(5) Business Logistics management (3rd edition), Prentice Hall
✍️ Logistics là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát sự di chuyển và sắp xếp con người, hàng hóa, cùng các hoạt động hỗ trợ liên quan (6). Điểm đặc biệt của định nghĩa này là việc đưa yếu tố con người, cùng với hàng hóa và các yếu tố khác, trở thành một phần của chuỗi các nhân tố mà Logistics phải xử lý.
(6) www.go2uti.com/utilities/dictionary/l.html
✍️ Logistics còn được xem là nghệ thuật tổ chức sự vận động của hàng hóa và nguyên vật liệu, từ giai đoạn mua sắm, qua các quá trình lưu kho, sản xuất, phân phối, cho đến khi đến tay người tiêu dùng.
✍️ Về bản chất, Logistics là quá trình tối ưu hóa vị trí và thời gian trong việc vận chuyển và dự trữ nguồn tài nguyên, từ điểm khởi đầu của chuỗi cung ứng cho đến khi tới tay người tiêu dùng cuối cùng, thông qua hàng loạt các hoạt động kinh tế.
✍️ Hơn nữa, Logistics còn là nghệ thuật và khoa học trong việc quản lý, bố trí các hoạt động kỹ thuật liên quan đến yêu cầu, thiết kế, cung cấp, và duy trì các nguồn lực để hỗ trợ quá trình thực hiện mục tiêu và kế hoạch (7).
✍️ Cuối cùng, Logistics là một khoa học và nghệ thuật trong việc sử dụng nguồn nhân lực nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, dựa trên khả năng của cá nhân và năng lực của tổ chức (8).
(7; 8) TS. Dư Đức Thành, Khoa Quản trị Hậu cần – Đại học Hàng Hải Cao Hùng, Đài Loan – Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế – ĐHKTQD, Hà Nội 11/2004.
Như vậy, các khái niệm khác nhau về Logistics được đưa ra dựa trên góc độ nghiên cứu, ngành nghề và mục đích nghiên cứu về Logistics hoặc dịch vụ Logistics. Dù tiếp cận theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, một số định nghĩa thường đồng nhất giữa Logistics, dịch vụ Logistics và quản trị Logistics, mà chưa phân định rõ ràng các khái niệm này cũng như chưa có các định nghĩa cụ thể về dịch vụ Logistics. Tại Việt Nam, Luật Thương mại năm 2005 lần đầu tiên đưa ra khái niệm về dịch vụ Logistics như một hoạt động thương mại, nhưng lại không đề cập đến khái niệm Logistics. Do đó, theo chúng tôi, cần tiếp cận Logistics cả theo nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp, đồng thời tiếp cận Logistics trên cả hai góc độ: vĩ mô và vi mô. Cần xem Logistics vừa là một ngành khoa học, vừa là một ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế quốc dân.