2.1. Khái quát quản trị Logistics doanh nghiệp – 2.1.2. Vai trò của quản trị Logistics – Chương 2: Quản Trị Logistics Doanh Nghiệp – Giáo trình Quản trị Logistics – GS.TS.Đặng Đình Đào
2.1.2. Vai trò của quản trị Logistics
Quá trình sản xuất là quá trình con người sử dụng tư liệu lao động để tác động vào đối tượng lao động, làm thay đổi hình dáng, kích thước, tính chất lý – hoá của đối tượng lao động để tạo ra những sản phẩm với chất lượng ngày càng cao, thoả mãn đầy đủ nhu cầu đa dạng của con người. Quá trình sản xuất của doanh nghiệp luôn đòi hỏi phải có các yếu tố của sản xuất, trong đó có vật tư kỹ thuật. Thiếu vật tư thì không thể có hoạt động sản xuất ra của cải vật chất.
Khi vật tư đóng vai trò là tư liệu lao động, mà bộ phận chủ yếu là máy móc thiết bị, thể hiện trình độ trang bị kỹ thuật cho sản xuất, thì nó là nhân tố cực kỳ quan trọng để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tăng quy mô sản xuất, tạo điều kiện sử dụng hợp lý sức lao động và nguyên, nhiên vật liệu, tiết kiệm các yếu tố vật chất trong sản xuất. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển một phần phụ thuộc vào trình độ kỹ thuật của sản xuất, sự nhanh chóng đổi mới công nghệ và do đó phụ thuộc vào vật tư kỹ thuật với tư cách là tư liệu lao động.
Nhưng theo điều tra của Tổng cục Thống kê, tình trạng kỹ thuật của đa số máy móc thiết bị trong khu vực DNNN (doanh nghiệp nhà nước) lạc hậu khoảng 2-3 thế hệ, có lĩnh vực như đường sắt, công nghiệp đóng tàu, cơ khí… lạc hậu khoảng 4-5 thế hệ. Hiện nay, trong số các doanh nghiệp trung ương, có 54,3% số doanh nghiệp ở trình độ thủ công, 41% ở trình độ cơ khí, chỉ có 3,7% ở trình độ tự động hoá. Đối với doanh nghiệp địa phương, có tới 71% ở trình độ thủ công, 24% ở trình độ tự động hoá.
Trong điều kiện đó, hậu cần vật tư cho sản xuất ở các doanh nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá đất nước, thực hiện cuộc cách mạng 4.0.
Khi vật tư đóng vai trò là đối tượng lao động, chủ yếu là nguyên vật liệu, vật tư sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguyên vật liệu, và do đó đến hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Nguyên vật liệu được bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, đúng chất lượng là điều kiện quyết định khả năng tái sản xuất mở rộng. Trong quá trình sản xuất, nguyên vật liệu là bộ phận trực tiếp tạo nên sản phẩm, nó chiếm 60% đến 70% trong cơ cấu giá thành sản phẩm, do đó nguyên vật liệu có vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh và giá cả sản phẩm.
Từ vai trò trên của vật tư, có thể thấy ý nghĩa to lớn của hoạt động cung ứng vật tư cho sản xuất, của hoạt động Logistics đầu vào ở doanh nghiệp. Việc bảo đảm vật tư đầy đủ, đồng bộ, kịp thời là điều kiện tiên quyết cho sự liên tục của quá trình sản xuất, cho sự nhịp nhàng đều đặn của quá trình sản xuất. Bất cứ một sự không đầy đủ, kịp thời và đồng bộ nào của vật tư đều có thể gây ra sự ngừng trệ sản xuất, gây ra sự vi phạm các quan hệ kinh tế đã được thiết lập giữa các doanh nghiệp với nhau, và gây ra sự tổn thất trong sản xuất kinh doanh.
Đảm bảo tốt vật tư cho sản xuất là đáp ứng các yêu cầu về số lượng, chất lượng, đúng quy cách, chủng loại, kịp thời gian và đồng bộ. Điều này ảnh hưởng đến năng suất của doanh nghiệp, đến chất lượng sản phẩm, đến việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm vật tư, đến tình hình tài chính của doanh nghiệp, đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp. Vai trò của quản trị hoạt động Logistics doanh nghiệp được thể hiện qua các điểm sau:
(1) 🔔 Dịch vụ Logistics góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật của sản xuất, sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn lực, giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất, tăng cường sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Chi phí Logistics chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 21% doanh thu tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Ở góc độ vĩ mô, chi phí cho hoạt động Logistics chiếm khoảng 10-13% GDP ở các nước phát triển, ở các nước đang phát triển thì cao hơn, khoảng 15-20%. Với nguồn lực có giới hạn, Logistics luôn được các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng.
(2) 🔔 Dịch vụ Logistics đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo yếu tố đúng thời gian, đúng địa điểm (JIT), nhờ đó đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh diễn ra theo nhịp độ đã định, góp phần nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, sử dụng hiệu quả vốn kinh doanh của các doanh nghiệp. Quá trình toàn cầu hóa kinh tế đã làm cho hàng hóa và sự vận động của chúng phong phú và phức tạp hơn nhiều so với thời kỳ trước đây, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ và đặt ra yêu cầu mới đối với dịch vụ vận tải và giao nhận. Đồng thời, để tránh hàng tồn kho, doanh nghiệp phải tính toán để lượng hàng tồn kho luôn là nhỏ nhất. Kết quả là hoạt động lưu thông nói chung và hoạt động Logistics nói riêng phải đảm bảo yêu cầu giao hàng đúng lúc, kịp thời, và khống chế lượng hàng tồn kho ở mức tối thiểu. Sự phát triển mạnh mẽ của tin học cho phép kết hợp chặt chẽ quá trình cung ứng, sản xuất, lưu kho hàng hóa, tiêu thụ với vận tải giao nhận, làm cho cả quá trình này trở nên hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn, nhưng cũng phức tạp hơn.
(3) 🔔 Dịch vụ Logistics hỗ trợ nhà quản lý ra quyết định chính xác trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp luôn phải giải quyết nhiều bài toán khó về nguồn nguyên liệu cung ứng, số lượng và thời điểm để bổ sung hiệu quả nguồn nguyên liệu, phương tiện và hành trình vận tải, địa điểm, thời gian giao nhận và kho bãi chứa thành phẩm, bán thành phẩm,… Để giải quyết những vấn đề này một cách hiệu quả, không thể thiếu vai trò của dịch vụ Logistics vì nó cho phép nhà quản lý kiểm soát và ra quyết định chính xác về các vấn đề nêu trên để giảm tối đa chi phí phát sinh, bảo đảm hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
(4) 🔔 Dịch vụ Logistics góp phần gia tăng giá trị kinh doanh của các doanh nghiệp thông qua việc thực hiện các dịch vụ lưu thông bổ sung (các dịch vụ tiếp tục quá trình sản xuất trong khâu phân phối lưu thông). Logistics là loại hình dịch vụ có quy mô mở rộng và phức tạp hơn nhiều so với hoạt động vận tải giao nhận thuần túy. Trước kia, người kinh doanh dịch vụ vận tải giao nhận chỉ cung cấp cho khách hàng những dịch vụ đơn giản, thuần túy và đơn lẻ. Ngày nay, do sự phát triển của sản xuất và lưu thông, các chi tiết của một sản phẩm có thể do nhiều quốc gia cung ứng, và một loại sản phẩm của doanh nghiệp có thể tiêu thụ tại nhiều quốc gia, nhiều thị trường khác nhau. Vì vậy, dịch vụ mà khách hàng yêu cầu từ các nhà phân phối, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải giao nhận phải đa dạng và phong phú hơn. Người vận tải giao nhận ngày nay phải triển khai thực hiện nhiều dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế ngày càng tăng của khách hàng. Họ trở thành người cung cấp dịch vụ Logistics (Logistics Service Providers) và Logistics đã góp phần làm gia tăng giá trị kinh doanh của các doanh nghiệp Logistics.
❓Câu hỏi ôn tập & thảo luận: Vai trò của hoạt động Logistics với doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Logistics đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nó không chỉ giúp tối ưu hóa chi phí và nguồn lực mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ ra quyết định chiến lược và gia tăng giá trị kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hoá.
📗 Nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp:
Logistics đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các yếu tố sản xuất như máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu được cung cấp đầy đủ và kịp thời. Điều này giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và quy mô sản xuất.
Chi phí Logistics chiếm khoảng 21% doanh thu tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, và có vai trò quyết định trong việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn lực, giúp giảm thiểu chi phí sản xuất và tăng cường sức cạnh tranh. Ở cấp độ vĩ mô, chi phí Logistics cũng chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của các quốc gia.
📗 Đảm bảo đúng thời gian, đúng địa điểm (JIT), tối ưu hóa quản lý tồn kho:
Dịch vụ Logistics giúp doanh nghiệp quản lý quy trình cung ứng theo phương thức Just-In-Time (JIT), đảm bảo nguyên vật liệu, sản phẩm đến đúng thời điểm và đúng địa điểm cần thiết. Điều này giúp quy trình sản xuất diễn ra liên tục, tránh được sự gián đoạn và ngừng trệ.
Nhờ quản lý chặt chẽ hàng tồn kho, Logistics giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí lưu kho, tránh lãng phí tài nguyên và duy trì mức tồn kho ở mức tối thiểu. Sự kết hợp của công nghệ thông tin hiện đại với Logistics giúp quá trình cung ứng, lưu kho, vận chuyển và phân phối hàng hóa trở nên hiệu quả và nhanh chóng hơn, đồng thời giảm thiểu rủi ro và phức tạp.
📗 Hỗ trợ nhà quản lý ra quyết định chính xác trong sản xuất kinh doanh:
Logistics cung cấp các dữ liệu quan trọng giúp doanh nghiệp giải quyết các bài toán khó về nguồn cung nguyên liệu, phương tiện vận tải, và quản lý kho bãi. Việc kiểm soát tốt các yếu tố này giúp nhà quản lý đưa ra quyết định chính xác, giảm thiểu chi phí phát sinh và tăng hiệu quả kinh doanh.
Doanh nghiệp có thể điều chỉnh lượng nguyên liệu nhập vào, sắp xếp phương tiện và hành trình vận tải sao cho hiệu quả, tối ưu thời gian và địa điểm giao nhận, qua đó cải thiện toàn bộ chuỗi cung ứng và vận hành.
📗 Gia tăng giá trị kinh doanh thông qua dịch vụ Logistics bổ sung:
Logistics ngày nay không chỉ đơn thuần là dịch vụ vận tải và giao nhận mà còn cung cấp các dịch vụ lưu thông bổ sung, như phân phối và xử lý sản phẩm sau sản xuất. Điều này giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong bối cảnh sản phẩm và chi tiết của sản phẩm có thể được cung ứng từ nhiều quốc gia khác nhau. Bằng cách cung cấp các dịch vụ đa dạng và phong phú hơn, doanh nghiệp kinh doanh Logistics có thể tăng giá trị kinh doanh của mình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn cầu.
Mỗi ngày một câu truyền cảm hứng:
🌿 4 điều gia huấn của Tăng Quốc Phiên: Thận trọng, tự cường, nhân ái, cần cù – Bí quyết thành công và hưng thịnh. 🌿

Một là thận trọng tĩnh tâm
Hai là lấy kính tự cường
Ba là sống nhân ái ắt hưng thịnh
Bốn là cần cù lao động, quỷ thần đều kinh